
Sáng nay (3/5), giá vàng giao ngay tăng 2,655 USD lên 3.240,950 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.257 USD/oz, tăng 21,3 USD so với đầu phiên.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 2% trong tuần nhưng vẫn tăng gần 24% tính từ đầu năm đến nay. Trước đó, kim loại quý này đã lập đỉnh lịch sử ở ngưỡng 3.500 USD/oz.
Theo ông Phillip Streible, chuyên gia phân tích thị trường tại Blue Line Futures, vàng đang có xu hướng kiểm định lại vùng kháng cự ngắn hạn quanh mức 3.250 USD/oz, nhưng để quay lại xu hướng tăng mạnh mẽ, vàng cần vượt mốc 3.300 USD/oz.
“Hiện tại, tôi không chắc liệu giá vàng đã sẵn sàng để vượt ngưỡng 3.300 USD/oz hay chưa”, Phillip Streible nhận định.
Mặc dù giảm hơn 7% so với mức đỉnh được thiết lập vào tuần trước, bất chấp áp lực bán, giới phân tích vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của kim loại quý. Ông Michael Brown, Chiến lược gia cấp cao tại Pepperstone, cho biết việc điều chỉnh lần này là cơ hội tốt để tích lũy thêm vàng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục có những động thái bất ổn và đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Đồng quan điểm, ông Ole Hansen – Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank – cũng đang theo sát các nhịp điều chỉnh để mua vào. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng giá vàng có thể tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn, đặc biệt khi nhu cầu từ châu Á sụt giảm trong kỳ nghỉ lễ dài ngày tại Trung Quốc. “Điều quan trọng là phản ứng của nhà đầu tư Trung Quốc trong 24- 48 giờ đầu tiên sau kỳ nghỉ. Nếu họ coi giá thấp là cơ hội tích lũy thì vàng có thể phục hồi nhanh chóng”, Ole Hansen cho hay.
Đồng thời, Ole Hansen lưu ý rằng vàng cần một chất xúc tác mới để thu hút thêm nhu cầu từ phương Tây.
Chuyên gia này nhận định khu vực hỗ trợ kỹ thuật quan trọng hiện nằm ở vùng 3.160–3.170 USD/oz. Việc giá vàng rơi dưới ngưỡng 2.950 USD/oz có thể khiến ông cân nhắc lại triển vọng tích cực hiện tại.
Đối với nhiều nhà phân tích, chất xúc tác có thể châm ngòi cho đợt tăng giá vàng mới có thể đến từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại, song chưa đủ yếu để buộc Fed phải thay đổi lập trường ngay lập tức. GDP quý I giảm 0,3%, chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh trước nguy cơ áp thuế quan mới. Cùng lúc, thị trường lao động vẫn cho thấy sức chống chịu tốt khi nền kinh tế tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng trước, vượt kỳ vọng của thị trường; tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 4,2% và mức tăng trưởng tiền lương tương đối ổn định. Dữ liệu kinh tế tuần trước cũng cho thấy áp lực lạm phát vẫn ổn định.
Fed đã duy trì lập trường trung lập vững chắc trong năm nay và khẳng định quan điểm rằng cơ quan này sẽ không vội cắt giảm lãi suất vì thị trường lao động vẫn lành mạnh và rủi ro lạm phát vẫn ở mức cao.
Dù Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp sắp tới, giới đầu tư kỳ vọng cơ quan này sẽ phát đi tín hiệu “ôn hòa”, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất trong các kỳ họp tiếp theo.
Ông Naeem Aslam – Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets – nhận định: “Dữ liệu gần đây đã khiến lập trường giữ nguyên lãi suất trở nên khó bảo vệ. Đợt điều chỉnh này đang khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn về mặt định giá”.
Ngoài chính sách tiền tệ, các yếu tố địa chính trị và đàm phán thương mại cũng được xem là những biến số quan trọng ảnh hưởng tới triển vọng giá vàng. “Chúng ta cũng cần theo dõi tiến triển trong đàm phán thuế quan giữa Mỹ với các quốc gia, bởi nếu căng thẳng giảm nhiệt, giá vàng có thể thiếu động lực để tăng mạnh hơn”, ông Aslam bổ sung.
Ở chiều ngược lại, một số ý kiến tỏ ra thận trọng. Chuyên gia Carsten Fritsch từ Commerzbank cho rằng kỳ vọng thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất tới 90 điểm cơ bản trong năm nay là quá lạc quan và có thể khiến giá vàng điều chỉnh nếu hiện thực không đáp ứng được kỳ vọng.
Tuần tới, thị trường sẽ tập trung vào các thông tin như Chỉ số PMI dịch vụ ISM được công bố vào thứ Hai; Quyết định lãi suất của Fed vào thứ Tư; Quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Báo cáo trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ vào Thứ Năm.
Lê Minh